MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Cách viết mở bài NLVH dễ nhất

Trong văn nghị luận nói chung và nghị luận văn học nói riêng, mở bài chiếm dung lượng không nhiều nhưng lại rất quan trọng. Mở bài nghị luận văn học tốt (đầu xuôi đuôi lọt) tạo ấn tượng cho người đọc. Mở bài giúp người đọc biết thân bài sẽ viết gì (giới thiệu vấn đề nghị luận)… Nhưng với nhiều học sinh, viết mở bài là cả một vấn đề lớn, rất khó viết. Sau đây Blog Ngữ văn gửi đến bạn đọc một số cách mở bài nghị luận văn học cơ bản: Mở bài dựa vào thông tin tác giả, tác phẩm; mở bài dựa vào đề tài, chủ đề; mở bài bằng bằng lí luận văn học, trích dẫn câu nói.

XEM THÊM:

Tóm tắt tác giả, tác phẩm trong ngữ văn lớp 9

Cách viết mở bài nghị luận văn học đơn giản


I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA MỞ BÀI

1. Mục đích: Giới thiệu vấn đề nghị luận (luận đề), trả lời câu hỏi: Phần thân bài bàn về vấn đề gì?

2. Yêu cầu

- Hình thức: Mở bài là một đoạn văn (khoảng 4, 5 câu).

- Nội dung:

+ Dẫn dắt vào vấn đề: ngắn gọn, gần gũi và có liên quan đến vấn đề chính mà bài văn sẽ đề cập tới.

+ Giới thiệu vấn đề cần bàn luận. Vấn đề có thể được thể hiện rõ trong đề bài, có thể là một nhận định (dẫn nhận định vào mở bài).

+ Xác định được phạm vi nghị luận

II. MỘT SỐ CÁCH MỞ BÀI

Văn nghị luận văn học có nhiều cách mở bài, có thể dựa vào: thông tin tác giả, tác phẩm; đề tài, chủ đề; nêu phản đề; lí luận văn học; trích dẫn câu nói; so sánh; giai đoạn văn học, nhân vật hoặc hình tượng… Sau đây là một số cách cụ thể:

          1. Đi từ thông tin tác giả, tác phẩm

          Yêu cầu: Học sinh buộc phải nhớ một số thông tin về tác giả (vai trò, phong cách, đề tài, sở trường), tác phẩm (năm hoặc hoàn cảnh sáng tác).

           Trình tự viết: Vai trò của tác giả/ phong cách sáng tác (đề tài sáng tác)/ giới thiệu về tác phẩm/ giới thiệu vấn đề nghị luận/ (Có thể trích dẫn đoạn trích cần nghị luận)

          Ví dụ 1: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp (1). Thơ ông chủ yếu viết về người lính và chiến tranh với lời thơ đặc sắc, cảm xúc dồn nén (2). Ra đời năm 1948, Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Chính Hữu (3). Bài thơ ngợi ca tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, gắn bó thời kì đầu cuộc kháng chiến (4).

(Câu (1) vị trí của tác giả, câu (2) giới thiệu đề tài và phong cách, câu (3) giới thiệu tác phẩm và năm sáng tác, câu 4 giới thiệu vấn đề nghị luận.)

Ví dụ 2: Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ (1). Truyện của ông hầu như chỉ viết về cuộc sống con người Nam Bộ trong chiến tranh và sau hòa bình (2). Ra đời năm 1966, trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt, “Chiếc lược ngà” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Quang Sáng (3). Truyện ngợi ca tình cha con, tình đồng chí của những người cán bộ cách mạng – cũng là tình người trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh (4). Cũng như bé Thu, nhân vật ông Sáu trong truyện đã để lại cho người đọc rất nhiều ấn tượng (5).

2. Đi từ đề tài, chủ đề

Yêu cầu: HS biết được đề tài của một số tác phẩm, tên tác giả - tác phẩm của đề tài đó.

Trình tự viết: Giới thiệu đề tài/ liệt kê một số tác phẩm (và tác giả) cùng đề tài/ khẳng định bài thơ (truyện) sẽ nghị luận cũng thuộc đề tài đó/ giới thiệu vấn đề nghị luận/ (Có thể trích dẫn đoạn trích cần nghị luận).

Ví dụ 1: Đề yêu cầu phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Mùa xuân là đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam.(1) Chúng ta đã được biết đến Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính, Mùa xuân xanh của Hàn Mạc Tử, Một khúc ca xuân của Tố Hữu…(2) Và nhà thơ Thanh Hải cũng đã đóng góp vào đề tài ấy bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.(3) Bài thơ là những cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và khát vọng cống hiến cho cuộc đời.(4)

(Câu (1) giới thiệu đề tài, câu (2) liệt kê một số tác phẩm cùng đề tài, câu (3) khẳng định “Mùa xuân nho nhỏ” cũng thuộc đề tài mùa xuân, câu 4 giới thiệu vấn đề nghị luận.)

Ví dụ 2: Nếu đề yêu cầu nghị luận khổ thơ bốn và năm thì có thể viết:

Mùa xuân là đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. (1) Chúng ta đã được biết đến Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính, Mùa xuân xanh của Hàn Mạc Tử, Một khúc ca xuân của Tố Hữu…(2) Và nhà thơ Thanh Hải cũng đã đóng góp vào đề tài ấy bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.(3) Nếu như ba khổ thơ đầu là những cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước thì khổ thơ bốn và năm lại thể hiện ước muốn hoà nhập và khát vọng cống hiến cho cuộc đời của Thanh Hải:(4)

“Ta làm con chim hót

Dù là khi tóc bạc”

Ví dụ 3: Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong đoạn trích sau:

Bây giờ là buổi trưa. Im ẳng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cử thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đen tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm ton, tôi là một cô gái khả. Hai bím tóc dày, tương đoi mềm, một cải cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cỏ có cải nhìn sao mà xa xăm!

Xa đen đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nang.

Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hòi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách nhau hàng nghìn cây so, mặc dù có thể chào nhau hàng ngày. Tôi không săn sóc, vồn vã. Khi bọn bạn gái tôi xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh hai tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tỏi điệu thể thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9 tập 2, NXBGD)

Người lính và chiến tranh là đề tài quen thuộc của văn học cách mạng Việt Nam.(1) Đó là Đồng chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng…(2) Ra đời năm 1971, thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt, Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê đã góp phần làm cho đề tài càng phong phú hơn.(3) Truyện ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất đáng quý của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa.(4) Đặc biệt, đoạn trích “Bây giờ là buổi trưa… có ngôi sao trên mũ” thể hiện cụ thể nét đẹp của Phương Định: trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời và có những suy nghĩ rất đáng trân trọng.(5)

(Câu (1) giới thiệu đề tài, câu (2) liệt kê một số tác phẩm cùng đề tài, câu (3) khẳng định “Những ngôi sao xa xôi” cũng thuộc đề tài người lính và chiến tranh, câu (4) giới thiệu nội dung khái quát của tác phẩm, câu (5) giới thiệu vấn đề nghị luận của đoạn trích.)

Đề tài một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9 và ngoài chương trình:

- Người lính: Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê);

- Chiến tranh: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật);

- Người lao động: Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Núi đôi (Vũ Cao);

- Người nông dân: Làng (Kim Lân), Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố)

- Bác Hồ: Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Đêm nay bác không ngũ (Minh Huệ), Bác ơi (Tố Hữu);

- Mùa xuân: Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh), Thơ tình mùa xuân (Xuân Diệu);

- Gia đình: Nói với con (Y Phương), Con cò (Chế Lan Viên), Bếp lửa (Bằng Việt);

- Mùa thu: Sang thu (Hữu Thỉnh), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Tiếng thu (Lưu Trọng Lư).

Lưu ý: Mỗi đề tài phải biết được 3 – 4 tác phẩm phổ biến nhất.

3. Đi từ lí luận văn học – trích dẫn câu nói.

Yêu cầu: HS phải biết một số nhận định văn học – câu nói có liên quan đến vấn đề nghị luận.

Trình tự viết: Trích dẫn nhận định (câu nói)/ khái quát ý nghĩa của nhận định (câu nói)/ giới thiệu tác phẩm, tác giả/ giới thiệu vấn đề nghị luận/ (có thể trích dẫn đoạn trích cần nghị luận).

Ví dụ 1: Nghị luận nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.

Thạch Lam từng viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để người đọc trông nhìn và thưởng thức.” (1). Hay nói cách khác, sứ mệnh của nhà văn là đi tìm và phát hiện cái đẹp khuất lấp ở những nơi tưởng chừng như không thể tồn tại cái đẹp để giúp người đọc có cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống, cong người và thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn và có ý nghĩa nhất (2). Kim Lân là một nhà văn như thế, ông đã rất thành công khi tìm ra vẻ đẹp của người nông dân trong bối cảnh tuyệt vọng, bế tắc (3). Điều đó thể hiện rõ nét qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng (4).

Ví dụ 2: Viết về nhân vật ông Hai (Làng – Kim Lân):

Ra-xum Gam-za-tốp từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người” (1). Con người có thể rời xa quê hương nhưng tình yêu quê hương luôn tồn tại trong mỗi con người (2). Điều này càng được thể hiện rõ trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân qua nhân vật ông Hai (3). Một người nông dân mộc mạc, hiền lành mà giàu tình yêu với quê hương, với đất nước, với cách mạng (4).

(Câu (1) trích dẫn nhận định (câu nói), câu (2) khái quát ý nghĩa của nhận định (câu nói), câu (3) giới thiệu tác phẩm – tác giả, câu (4) giới thiệu vấn đề nghị luận.)

Lưu ý: ý thứ ba và ý thứ tư có thể đổi vị trí cho nhau.

Trên đây là một số cách viết mở bài nghị luận văn học đơn giản. Rất mong sẽ góp phần giúp cho bài văn của các em sẽ tốt hơn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo